chuyện kể | Hà Giang

Những ngày tháng Tư rộn ràng, khi cả nước cận kề kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi tìm về Hà Giang – nơi cực Bắc yêu thương của Tổ quốc.

Giữa núi rừng bạt ngàn hoa nở, tiếng chim ca rộn rã, cùng các em nhỏ, cùng bản làng hát vang mừng đất nước thanh bình.

Rừng rừng hoa với chim ca vui tưng bừng
Suối nước trong xanh soi bóng em và bóng anh
Bên nhau cùng sống vui êm đềm cùng núi rừng
Đất nước hoà bình hạnh phúc ta như mùa xuân.

Hà Giang, tháng Tư.
Bản làng hân hoan trong mùa xuân hoà bình của đất nước.

“Miền Trà Di Sản | Shan Tuyết Cao Bồ”

Hà Giang tháng 5, tháng ngày của trà.
Từ những người trẻ, làm trà cổ kla.
__

thợ may kla.
dệt trà kể chuyện.

“Ngày Trà Về Bản – Miền Trà Di Sản”

Ngày 21 tháng 5 – Ngày Trà Thế Giới
Ở đâu đó là triển lãm, là lễ hội đón mừng hay tiệc trà sang trọng.
Còn ở những bản làng dưới chân đỉnh Tây Côn Lĩnh – là những đôi chân đất, những bàn tay lấm nhựa trà rừng.

Chúng tôi không gọi đó là “Ngày Quốc tế Trà”
Mà gọi là “Ngày Trà về Bản”

Chuyện kể…

Những ngày đầu tháng Tư, chúng tôi tìm đến xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên vào một buổi sớm đầu vụ trà xuân 2025.

Lần theo mạch núi Tây Côn Lĩnh, ngược lên vùng cao để tìm hiểu về dòng trà Shan Tuyết cổ thụ – loại trà hoang dã mang trong mình linh khí của đất trời và hơi thở đại ngàn Hà Giang.

Những cây trà cổ nằm sâu trong rừng, nơi vắng bóng người qua – chỉ có tiếng bước chân, tiếng gió lùa qua tán lá, và tiếng thở khẽ khàng giữa độ cao 1.300 mét.

Chúng tôi được người dân bản địa dẫn đi qua những cung đường đèo sỏi đá, vượt suối, leo dốc và đi bộ thêm khoảng 30 phút rồi dừng lại trước một cây trà Shan Tuyết cổ thụ ước chừng 600 năm tuổi. Xung quanh là những cây trà nhỏ mọc đều hai bên giống như cánh cổng dẫn vào một khu rừng trà xanh tĩnh tại.

“Shan trà – tiên cảnh, là đây chứ đâu…”

Không ai biết cây trà có từ bao giờ, chỉ biết rằng khi sinh ra người ta đã thấy cây trà đứng đó, sừng sững và âm thầm qua bao năm tháng. Từ đời này qua đời khác, người dân nơi đây giữ lấy cây trà như giữ lấy một phần hồn của bản làng.

Với họ, cây trà không chỉ đơn thuần là cây.
Mà là linh hồn của núi rừng, là cột mốc thiêng liêng – không đo bằng mét, mà đo bằng thời gian, bằng vị đắng dịu và ngọt lành của vùng đất đại ngàn.

Chuyện còn…

thợ may kla.

“Người trẻ – Trà cổ”

Tiếp chuyện…

Đứng trên dãy Tây Côn Lĩnh – dưới gốc trà cổ thụ hơn 600 năm tuổi, chúng tôi đặt tay lên thân cây trà xù xì phủ đầy rêu, như chạm vào một dòng chảy ngầm của ký ức sống.

Thân cây thở ra hơi ẩm như lưu giữ cả một quãng thời gian dài mà núi rừng không nói thành lời. Có người ngồi bệt dưới gốc trà, mắt ngước lên chậm rãi ngắm nhìn vẻ đẹp của một di sản sống giữa đại ngàn.
Có người thư thả, rồi lại vội vã ngâm vài vần thơ…

Tháng tư người trẻ về rừng
Trà cổ Shan Tuyết vui mừng hân hoan
Gốc già rêu phủ mơ màng
Cánh tay người trẻ, nhẹ nhàng đặt lên

Ngước nhìn xanh ngắt tầng trên
Ngỡ như trà đã bay lên với trời
Chưa từng hứa hẹn một lời
Mà thơ đã chảy, đầy vơi giữa rừng.

Tất cả đều đang lắng nghe – bằng lòng – một tiếng nói không lời của núi rừng.
Bởi nơi đây, trà không chỉ để hái, để pha.
Mà để hiểu – nguồn gốc của một di sản sống,
để chạm – vào chiều sâu của ký ức vùng cao,
và để kể lại – bằng chính góc nhìn của người trẻ hôm nay.

Một câu chuyện được viết tiếp bằng bàn tay đặt lên cây trà, bằng ánh mắt ngước nhìn tán lá, bằng cảm xúc giữa bản làng Cao Bồ và bằng ký ức đang lớn dần trong lòng thế hệ những người trẻ, làm trà cổ…

__

thợ may kla.

“Chợ Trà Chiều”

Là cảnh chiều tà cuối ngày.
Khi mặt trời vừa nghiêng qua sườn núi Tây Côn Lĩnh, cũng là lúc những chiếc gùi trà bắt đầu nối nhau đổ về bản.

Bà con sau một ngày trèo đèo, hái trà, vượt sương
lại tụ họp dưới bãi đất nhỏ đầu dốc – là những góc chợ tạm…nơi có duy nhất một chiếc cân, có người thu mua có người mừng bán, cả chợ lại xôn xao…lẫn cả tiếng hỏi han và nụ cười mệt nhoài sau một ngày làm việc…

Chúng tôi gọi đó là “Chợ Trà Chiều” một khoảnh khắc nhỏ đời thường nhưng mang đậm nhịp sống vùng cao.

Ở đó có mùi trà tươi lẫn trong nắng cuối chiều, có những bàn tay sẫm nắng, đượm sương còn dính nhựa trà, có tiếng trẻ con vui đùa quanh bản…

Không có biển chợ,
không có mái che.
Nhưng chợ trà chiều – chính là điểm hẹn cuối ngày của một miền trà di sản, sống bằng lá trà và lòng người.

Chợ chiều, bản trà làng ta
Chiều xuống nắng nhạt ta mang trà về
Tay còn vướng nhựa trà mê
Chân quen lối dốc, chẳng hề thấy xa

Ai ơi mua trà tôi nha
Một tôm hai lá, giá là bao nhiêu?
Bạch trà cuối nắng ban chiều
Đựng trong bao tải, biết nhiều hay không?

Ở nhà trẻ nhỏ ngóng trông
Trà hái từ sớm mà không còn gì
Tay trao, gùi nhẹ thù thì
Trà thơm hương bếp, trà đi theo người.

Người hái trà trở về bản, cũng như ánh nắng đang xuống
lặng lẽ, ấm áp, và đủ đầy.
Không ai vội.
Một ngày đã qua…

__

thợ may kla.

Chuyện này không kể, chuyện kể qua phim…
(Xem lại chuyện trước)

Chợ Trà Chiều – không chỉ là một phiên chợ vùng cao.
Chợ Trà Chiều là một thước phim ký ức – sống được, thơ được và giữ được.

__

thợ may kla.

“Là Lá – Là Trà”

Sau chợ trà chiều, trà không ở lại bản.
Trà đi về xưởng, về những gian phòng mộc lặng lẽ, nơi bàn tay vẫn là thứ quyết định duy nhất hương vị của lá trà.

Một ngày làm trà bắt đầu từ chính những búp lá còn ướt sương.
Là mẹt tre. Là tay người. Là hơi nóng. Là thời gian.

Từ nhặt – làm héo – vò trà – phơi nắng – sấy lửa – đến lúc trà khô.
Mỗi mẻ trà cần được nâng niu đúng nhịp, đúng nhiệt, đúng tay.
Mỗi công đoạn không dài, nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn.

Bắt đầu từ khi cho lá tươi xuống nia, lá vẫn còn vương hương của cỏ cây núi rừng.
Nhưng đến cuối ngày, thứ nằm trên mẹt đã là trà – với màu, với dáng, với hương – đã lắng, đã trầm, đã chín.

Một ngày làm trà – không ai vội.
Chầm chậm trôi – lặng lẽ đủ đầy.
Chỉ có lá, có tay và bản sắc văn hoá vùng cao,
để biến thiên nhiên thành tách trà di sản.

__

thợ may kla.

“Miền Trà Di Sản – Shan Tuyết Cao Bồ”

Núi rừng Hà Giang là nơi mang lại cho chúng tôi nguồn cảm hứng sâu sắc về một miền trà di sản của Việt Nam.

Tại Kladee Bespoke, chúng tôi đang lặng lẽ viết tiếp những câu chuyện trà – bằng sự tôn kính với truyền thống và niềm tin vào giá trị của sáng tạo.

Mỗi sản phẩm từ lá trà Shan không chỉ là một thức uống,
mà là sự gói ghém tinh thần của núi rừng,
là nghệ thuật thủ công và là tâm hồn người của Việt Nam.

__

thợ may kla.

“Tháng 7 – Mặt Trận Vị Xuyên”

__

thợ may kla.